Nếu so sánh với quy trình mở shop thông thường thì việc mở shop online đơn giản hơn rất nhiều. Bạn có thể lựa chọn một trong hai cách: mở một website riêng hoặc thiết lập tài khoản trên các website dành riêng cho bán hàng, các trang mạng xã hội, rao vặt,… Chẳng tốn nhiều vốn đầu tư ban đầu, cũng không mất nhiều thời gian và công sức, chỉ cần vài thao tác đơn giản bạn đã có ngay một gian hàng ảo đẹp lung linh như mong muốn. Bài viết này sẽ giúp các bạn khám phá những điểm mạnh của shop online so với loại hình kinh doanh truyền thống cũng như các bước để mở shop.
Chỉ cần một chiếc máy tính nối mạng, bạn có thể bán hàng cho bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu mà không cần phải nhọc công tìm kiếm địa điểm mở shop, cũng chẳng phải đau đầu với khâu bài trí, tuyển nhân viên hay quản lý hàng hóa. Khởi đầu với số vốn ít ỏi, shop online là một trong những lựa chọn sáng suốt và khá an toàn cho những ai muốn thử sức trong lĩnh vực kinh doanh.
Vì sao shop online lại là lựa chọn hoàn hảo?
Lợi ích đầu tiên của shop online là không tốn quá nhiều chi phí đầu tư ban đầu dành cho việc thuê cửa hàng, mua sắm tủ, kệ trưng bày sản phẩm, trang trí shop,... Bạn không cần quá đau đầu vắt óc để tính toán, co kéo các khoản chi phí sao cho vừa với số vốn khởi nghiệp ít ỏi của mình mà có thể tập trung tài chính cho việc nhập hàng. Vì vậy, với những người ít vốn, lại thiếu kinh nghiệm thì việc mở shop online là hướng đầu tiên bạn nên nghĩ tới nếu muốn thử sức kinh doanh.
Cũng chính vì không tốn chi phí thuê cửa hàng nên giá bán sản phẩm của các shop online thường “mềm” hơn rất nhiều so với cửa hàng bán trực tiếp. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của shop online. Hút khách bằng sản phẩm chất lượng lại có giá mềm, giao dịch uy tín, không ít ông/bà chủ shop online đã trở nên nổi tiếng và ăn nên làm ra.
Thùy Linh, 21 tuổi, chủ shop online chuyên về thời trang Hàn Quốc chia sẻ: “Mình rất hay tìm hiểu phong cách ăn mặc của giới trẻ Hàn Quốc và nhận thấy đây là một trong những xu hướng thời trang đang rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Mình đã lập một tài khoản facebook, add friends của tất cả bạn bè để quảng cáo sản phẩm rồi tag mọi người vào ảnh. Chỉ trong vòng 1 tuần, mình đã giao được gần hết số hàng lấy về nhờ giá quá rẻ, trung bình từ 90 - 180 ngàn đồng/món”.
Thu Ngân, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thì cho hay: “Đây là một hình thức kinh doanh khá phù hợp với giới trẻ, đặc biệt là với những người còn đang phải bận bịu với việc học như mình. Mỗi lần lấy hàng, mình chỉ lấy khoảng 9 - 10 mẫu, mỗi mẫu khoảng 5 - 10 sản phẩm. Cách này giúp mình thu hồi vốn nhanh lại có thêm chút thu nhập để trang trải cho sinh hoạt hàng ngày. Ngoài việc phải bỏ ít chi phí hơn, mình có thể quản lý shop của mình chỉ bằng cách online mỗi ngày. Thật tiện lợi!”.
Có thể kể ra một số ưu điểm của shop online đó là:
- Số vốn đầu tư thấp.
- Không tốn nhiều chi phí thuê mặt bằng, người quản lý.
- Tận dụng được lợi thế và sức mạnh marketing online để quảng bá rộng rãi cho shop.
- Chủ shop có thể tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng, không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Đây là tính không biên giới, một đặc trưng của loại hình kinh doanh này.
- Đáp ứng được xu thế mua sắm mới của người tiêu dùng hiện nay. Mua sắm qua các kênh online giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn trong việc tìm kiếm thông tin về sản phẩm, xem mẫu hàng, so sánh giá cả, tiết kiệm nhiều thời gian so với phương thức shopping truyền thống.
Quy trình mở shop online
Quy trình mở shop online cũng cần phải tuân thủ một số bước cơ bản giống như mở một shop truyền thống. Cụ thể:
Bước 1: Xác định đối tượng khách hàng và mặt hàng bạn định kinh doanh.
Đây là khâu quan trọng trước khi bạn tiến hành mở shop. Bạn phải định hình rõ đối tượng mà shop của bạn hướng đến (giới tính, độ tuổi, thu nhập, khả năng chi trả,…), từ đó lựa chọn sản phẩm cho phù hợp. Ví dụ, đối với mặt hàng quần áo, nếu bạn lựa chọn giới văn phòng là đối tượng khách hàng chính thì đồ công sở là một trong những lựa chọn tối ưu. Song nếu bạn xác định lứa tuổi teen là khách hàng tiềm năng thì khi lựa chọn sản phẩm bạn cần lưu ý đến sự trẻ trung, cá tính và đặc biệt là cách mix đồ sao cho bắt mắt và nổi bật.
Bước 2: Tìm nguồn cung cấp hàng
Việc khảo sát để tìm ra những mối hàng có uy tín cũng là vấn đề mà các chủ shop cần đặc biệt lưu ý. Hiện nay, có không ít nguồn hàng tại khắp các tỉnh thành trên cả nước. Hầu hết các chủ shop online đều khởi đầu bằng cách nhập hàng từ các chợ đầu mối như: chợ Ninh Hiệp (Hà Nội), chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Lim (Bắc Ninh), chợ An Đông (tp. Hồ Chí Minh), chợ Tân Bình (tp. Hồ Chí Minh)… hoặc từ các chợ cửa khẩu như: Tân Thanh - Lạng Sơn, Móng Cái - Quảng Ninh (nhập đồ Quảng Châu, Thượng Hải), Mộc Bài - Tây Ninh (nhập đồ Thái Lan, Hồng Kông, Campuchia),... Nếu có điều kiện, bạn cũng có thể lấy hàng trực tiếp từ Quảng Châu, Thượng Hải (Trung Quốc), order các mặt hàng từ các nước như Nhật, Hàn Quốc, Pháp,… Việc lấy hàng từ nước ngoài nếu không có khả năng sang tận nơi, bạn phải có mối quan hệ với những cá nhân đang sinh sống hoặc hay qua lại tại các nước, tuy nhiên tùy từng quốc gia mà số lượng sản phẩm bạn nhập về ít hay nhiều, nhanh hay chậm…
Bước 3: Thiết lập “gian hàng ảo”
Có hai cách để thiết lập một gian hàng ảo:
- Cách 1: Thiết lập một website riêng (với cách này chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết ở phần cuối của bài viết).
- Cách 2: Mở shop online trên các website đã có sẵn (các trang mạng xã hội, rao vặt, các trang bán hàng trực tuyến). Đây là cách đơn giản nhất, bạn chỉ cần làm theo cách bước hướng dẫn sau:
+ Lập tài khoản trên các web bán hàng trực tuyến, mạng xã hội
Việc lập tài khoản trên các trang bán hàng trực tuyến, trang rao vặt, mạng xã hội không còn mấy khó khăn với nhiều người. Hiện tại, có khá nhiều trang rao vặt uy tín chuyên update các mặt hàng như: quần áo (enbac.com…), đồ điện tử (chodientu.com, vatgia.com, rongbay.com, raovat.com.vn…),… Việc lựa chọn một website là điều quan trọng khi bạn quyết định mở shop online. Khi lựa chọn web bạn nên lưu ý một số điểm sau:
- Số lượng người truy cập.
- Những mặt hàng chủ yếu được update trên web đó.
- Tham khảo ý kiến những người có kinh nghiệm mở shop online. Đây là cách để bạn có thể hạn chế những rủi ro khi bắt đầu mở shop.
- Bạn cũng có thể tìm hiểu chất lượng của web thông qua số năm kinh nghiệm, những thông tin về web trong phần giới thiệu đặt ở đầu hoặc cuối trang. Khảo sát yếu tố nội dung và hình thức, xem số lượng topic trên trang có ổn định hay không…
Ngoài việc tạo tài khoản trên các trang rao vặt, bạn cũng có thể mở một gian hàng trên chính trang cá nhân của mình tại một số mạng xã hội như: facebook.com, plus.google.com,hay ngay trên tamtay.vn…
Với tên gọi “Ba phong cách thật “chất” cho những cô gái mùa thu” Shop Fedora Boutique đã thu hút ánh nhìn của biết bao teen girl năng động
Trong tiết se lạnh của mùa thu, cách mix đồ cùng những chiếc áo khoác nhẹ của Charlott Shop đã tạo nên cá tính lạ mắt cho teen
Đây là bước khởi đầu đơn giản để bạn khởi nghiệp với shop online.
+ Cập nhật sản phẩm lên shop (hình ảnh, thông tin mô tả sản phẩm, giá cả,...)
Đối với một gian hàng ảo thì việc up ảnh và mô tả sản phẩm đặc biệt quan trọng vì nó giúp khách hàng nắm được thông tin về sản phẩm khi không trực tiếp được tiếp xúc với sản phẩm. Chủ shop phải chú trọng khâu này bằng cách chăm chút hình ảnh trên shop, chụp mẫu sản phẩm…
Đặc thù của shop online là khách hàng xem sản phẩm trên mạng, nên hình ảnh càng lung linh sẽ càng thu hút được sự quan tâm của mọi người. Ngoài việc dùng hình ảnh đã có sẵn trên mạng, bạn cũng có thể chụp sản phẩm cùng mẫu. Những bộ quần áo, những phụ kiện xinh xắn sẽ thu hút hơn nếu được “diện” trên người một cô mẫu đáng yêu (bạn có thể tham khảo cách mix đồ trên facebook Fedora Boutique, Sunny Kusa, Charlotte shop).
Dưới đây là hình ảnh minh họa cho cách phối đồ của một vài shop online:
Charlott Shop
Sunny Kusa Shop
Fedora Boutique Shop
Cô bạn với nick name socolawhite90 chia sẻ: “Mình mở shop quần áo trên Én bạc, cái quan trọng nhất là hình ảnh phải đẹp, phải thực sự lung linh vì khách chủ yếu là xem hàng trực tuyến. Tuy nhiên, hình ảnh cũng phải đúng với mẫu mã ở ngoài”.
"...Hình ảnh phải đẹp, phải thực sự lung linh vì khách chủ yếu là xem hàng trực tuyến." (Fedora Boutique Shop)
Bạn có thể sử dụng một số phần mềm chỉnh sửa ảnh để khiến bức ảnh trông đẹp mắt hơn. Lưu ý là khi up ảnh lên gian hàng của mình, bạn cần chỉnh size ảnh sao cho phù hợp, tránh tình trạng ảnh bị vỡ hoặc quá nhỏ.
Giá cả cũng cần được niêm yết rõ ràng với từng sản phẩm. Bạn có thể viết giá vào phần chú thích dưới ảnh hoặc ghi đè lên mép dưới/trên của bức ảnh để khách hàng dễ định lượng khả năng chi trả của mình.
Một điểm tối quan trọng nữa là việc đặt tiêu đề cho topic. Bạn nên nghĩ ra những chủ để thực sự lôi cuốn cho topic của mình, tránh những tiêu đề khô khan, không có dấu. Nên nêu bật những thế mạnh hoặc đặc tính nổi trội, “hot” nhất của sản phẩm để hút khách vì giữa một “rừng” thông tin như hiện nay, những topic có tiêu đề mờ nhạt sẽ được ít người chú ý và nhanh chóng bị trôi xuống phía dưới. Hãy đặt mình vào tâm lý của người mua, bạn sẽ chú ý đến những tiêu đề như thế nào? Liệu bạn sẽ click vào topic với tiêu đề đầy sức gợi như: “Bốt Hàn Quốc mẫu mới nhất dành cho các nàng sành điệu”, “ba phong cách thật “chất” cho những cô gái mùa thu”, “Bán dép kẹp ngón không quai DOPIE giá rẻ nhất Hà Nội, chỉ 248k/đôi, với các mẫu mới nhất 2011, chỉ có tai Dolly”…, hay click vào topic khô khan kiểu “Trang phục dành cho dân công sở?”, “dép Nhật”, “hàng mới về”… Hãy chú ý nhé vì lượt view và độ phủ của topic sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách bạn đặt tiêu đề đấy.
Bạn Thanh Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) bật mí: “Một mẹo nhỏ để tin của mình luôn ở top là bạn phải liên tục vào up tin bằng comment. Đồng thời, hình ảnh đại diện cũng phải đẹp để khi khách nhìn hình ở ngoài là bị thu hút ngay”.
+ Định giá sản phẩm
Bạn nên tham khảo giá của sản phẩm tương tự trên thị trường đồng thời căn cứ vào số vốn bạn bỏ ra cho việc: vận chuyển, phí mở shop online (nếu có), giá nhập sản phẩm để có thể đưa ra mức giá phù hợp cho mỗi loại sản phẩm, không được quá cao so với thị trường nhưng cũng phải đảm bảo đem lại lợi nhuận cao nhất có thể cho bạn. Bạn nên lưu ý tiết kiệm đến mức tối đa phí vận chuyển để tránh tình trạng giá bị đẩy lên cao.
Bạn Ngọc Tú, 23 tuổi cho biết: “Trước đây mình kinh doanh shop online với mặt hàng quần áo và giờ là mỹ phẩm. Thường thì giá sản phẩm phụ thuộc vào giá nhập hàng, nếu giá nhập rẻ thì mình sẽ có lãi nhiều hơn. Khách hàng giờ rất sành, trước khi quyết định mua, họ sẽ khảo giá rất sát, với những sản phẩm có cùng chất lượng, mẫu mã thì shop nào bán giá rẻ hơn sẽ hút được nhiều khách”.
Lưu ý, với những shop được tạo như một web cá nhân của mình, không dựa trên các website đã có sẵn, bạn nên tính cả phí mua tên miền, hosting… để có thể thu hồi vốn nhanh hơn.
+ Cách giao hàng và phương thức thanh toán
Về cách giao hàng, thường trong các gian hàng của mình, chủ hàng sẽ đăng thông tin về cách thức giao, nhận hàng. Với những địa điểm gần nơi bạn trữ hàng, bạn có thể miễn phí vận chuyển. Với những nơi có khoảng cách xa hơn, bạn có thể tính phí ship tùy vào khoảng cách ấy. Bạn nên mở một tài khoản ngân hàng để những khách hàng ở các tỉnh, thành khác có thể thanh toán bằng cách chuyển khoản.
Nếu có thể, bạn nên mở rộng mạng lưới của mình bằng cách bố trí nhân lực tại một số địa điểm chính. Nhờ đó, việc vận chuyển cho khách sẽ nhanh chóng và tốn ít chi phí phát sinh hơn. Đồng thời, đó cũng là một mẹo để giữ khách. Đối với phương pháp này, bạn nên khéo léo tăng giá sản phẩm nhỉnh hơn một chút để bù vào phí vận chuyển, tuy có cao hơn thị trường nhưng nhìn vào lợi ích được miễn phí ship thì khách hàng vẫn sẽ lựa chọn sản phẩm của bạn.
Với các chủ shop, bán được đồ online phải có tính kiên nhẫn, chịu khó giao đồ tận nơi cho khách nếu có yêu cầu, và phải đặt uy tín lên hàng đầu thì mới mong giữ được khách giữa một “rừng” shop như hiện nay.
+ Phương pháp marketing
Đối với shop online phương pháp maketing chủ yếu là marketing online. Bạn có thể sử dụng các tiện ích của Internet để quảng bá cho shop của mình. Ví dụ như gửi link qua yahoo, skype… nhờ bạn bè phát tán, mở thêm nhiều gian hàng tương tự trên các trang rao vặt, mạng xã hội.
Bạn Thùy Linh chia sẻ: “Cái hay của mua bán qua facebook là sự tiện lợi. Mọi người chỉ cần vào facebook của mình là sẽ thấy ảnh tag vào đó, nếu thích thì hỏi, chủ shop nhanh chóng trả lời mọi thắc mắc về size, giá cả. Đây là những bước để marketing hiệu quả nhất cho shop thời trang trên facebook. Không phải tốn thời gian đi shoping, giờ bạn chỉ cần ngồi ở nhà là có thể mua được những món đồ vừa đẹp, vừa rẻ. Chỉ vài tiếng sau khi đặt hàng là món hàng sẽ được chủ shop giao tận nơi, bạn chỉ tốn thêm vài nghìn tiền ship trong nội thành. Khách khó tính có thể đến tận nhà chủ shop xem hàng cho kỹ”.
Bạn nên sắp xếp thời gian online để trả lời những thắc mắc của khách hàng vào những thời điểm cố định như: 8 giờ, 10 giờ, 14 giờ, 21 giờ… Tốt hơn cả là bạn nên online thường xuyên, đảm bảo việc cập nhật ý kiến khách hàng được liên tục.
Trong quá trình giao tiếp với khách hàng, chủ shop cần phải tỏ thái độ nhiệt tình, thân thiện và lịch sự, sử dụng ngôn ngữ mềm mỏng, hãy quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của khách hàng hơn là tính năng của sản phẩm. Ngoài tư cách là người bán, bạn nên đóng vai trò là người tư vấn để khách hàng có thể yên tâm khi lựa chọn sản phẩm. Bạn nên bày tỏ thái độ nhiệt tình khi tư vấn, kể cả nếu khách hàng không mua sản phẩm, đó là một cách để giữ chữ tín cho shop bạn.
Tóm lại, để tạo được ưu thế cạnh tranh cho shop mình, bạn cần làm tốt những điểm sau:
- Luôn chú trọng đến hình ảnh của sản phẩm.
- Luôn cập nhật ý kiến online của khách hàng.
- Đơn giản hóa các phương thức thanh toán (chuyển khoản, giao nhận hàng trực tiếp), tránh những giải thích rườm rà và quá chặt chẽ khiến khách hàng nản chí.
- Luôn giữ thái độ niềm nở trong quá trình giao tiếp. Khéo léo trong cách chấp nhận cũng như từ chối việc mặc cả giá sản phẩm đối với khách hàng.
- Có thể kèm theo cách dịch vụ ưu đãi nếu có thể (miễn phí ship, giảm giá mặt hàng nếu khách lấy với số lượng nhiều…).
Hướng dẫn mở shop online trên các website có sẵn
Shop online - Những điểm hạn chế và cách khắc phục
Tuy khó khăn của shop online không nhiều nhưng bạn cũng cần phải chú ý để tránh những rủi ro không đáng có trong kinh doanh.
Huyền Trang (22 tuổi) kể, bạn có chị làm tiếp viên hàng không nên mua được mỹ phẩm, nước hoa miễn thuế rẻ hơn ở ngoài, Trang lập topic trên web rao bán đồ nhưng phải oder trước 1 tuần. Có lần hàng về trễ, hộp phấn giao cho khách bị vỡ chút ít do vận chuyển, khách nhất định không nhận hoặc có thì cũng phải giảm nửa tiền. Bán đồ qua mạng thì gặp những chuyện như thế không hề ít.
Khi gặp phải những phàn nàn của khách hàng về sản phẩm, bạn nên khéo léo trong cách giao tiếp với khách hàng. Nếu sản phẩm đến tay khách hàng bị chậm hơn so với thời gian đã định hay sản phẩm bị lỗi một chút mà không đổi được, bạn nên giảm giá mặt hàng cho khách.
Kinh nghiệm truyền miệng của những người thường mua hàng online là không ham giá rẻ mà nhắm mắt oder bừa, họ thường đặt mua ở những shop online uy tín, có ghi cả địa chỉ nhà rõ ràng, nhận được nhiều phản hồi, đánh giá tốt từ phía khách hàng. Vì vậy, là chủ shop, bạn cần đặc biệt chú ý đến việc tạo chữ tín cho shop. Với những chủ shop làm ăn theo kiểu chụp giật, không chú trọng đến chất lượng sản phẩm mà chỉ câu khách bằng giá rẻ, sớm hay muộn cũng sẽ thất bại.
Một trong những khó khăn nữa của chủ shop là việc xác định nguồn hàng và giá cả khi nhập hàng. Nếu là lần đầu tiên mở shop, bạn cần đi cùng những người đã có kinh nghiệm trong nghề để lấy được hàng với giá buôn rẻ nhất. Bạn Minh Thu (24 tuổi) cho biết: “Khi quyết định mở shop online, mình liều sang Quảng Châu (Trung Quốc) để đánh hàng. Nhưng do chưa tìm hiểu kỹ giá cả tại các chợ đầu mối, các sản phẩm mình nhập đều bị giá cao hơn so với người khác. Sai sót của mình đó là không đi theo những người đã có kinh nghiệm để họ định giá hộ sản phẩm và chỉ chỗ quen để lấy hàng”.
Vậy, một lời khuyên cho những chủ shop tương lai là nên tham khảo giá buôn tại các chợ đầu mối trong nước trước khi có ý định sang lấy hàng trực tiếp tại các nước khác. Bởi giá tại các chợ đầu mối thường sẽ cao hơn, nhờ đó bạn có thể tự tin mặc cả giá buôn khi nhập hàng từ nước bạn.
Việc phải đối mặt với những khách hàng khó tính muốn xem sản phẩm rồi mới quyết định hoặc order rồi đòi trả lại hàng là điều không thể tránh khỏi. Bạn có thể giải quyết bằng cách đăng thêm một dòng thông tin ghi rõ: khách hàng đã nhận mua/order sản phẩm miễn hoàn lại. Hoặc, quý khách có thể đến địa chỉ… để xem hàng và thử trước khi quyết định.
Hướng dẫn để hình thành website riêng
Bên cạnh cách thức mở shop trên các trang bán hàng, rao vặt, mạng cộng đồng, bạn cũng có thể tự mở cho mình một website riêng. Việc mở một website bán hàng riêng đều tuân theo những bước cơ bản sau đây:
Chọn tên miền, máy chủ và thiết kế website
Đối với shop thông thường, một trong những điều đầu tiên bạn cần làm là xác định tên cửa hàng và vị trí đặt cửa hàng. Đối với shop online thì bạn cần phải đăng ký tên miền (domain name), tìm nhà cung cấp hosting (hosting provider) và bạn cũng cần phải thiết kế trang web.
Tên miền
Tên miền là một định danh được đăng ký của cá nhân, doanh nghiệp dùng để thiết lập một website trên mạng internet.
Khách hàng sẽ gõ tên miền của bạn vào trình duyệt web của họ để truy cập vào website của bạn. Tên miền phải được đăng ký với một nhà đăng ký tên miền. Tên miền phải được đăng ký ít nhất một năm. Một số nhà đăng ký tên miền: godaddy.com, namecheap.com, nhanhoa.com, matbao.com, pavietnam.com…
Máy chủ và thiết kế web
Sau khi đã đăng ký tên miền thì bước tiếp theo bạn cần làm là thiết kế website và thuê máy chủ (hosting) để đặt website.
Nếu bạn không có nhiều kiến thức chuyên môn về kỹ thuật, có lẽ bạn nên chọn trọn gói giải pháp bao gồm: công cụ thiết kế web, giỏ hàng (shopping cart), bảo mật (security), công cụ thống kê và báo cáo, tài khoản thanh toán (merchant account) và cổng thanh toán (payment gateway), thậm chí cả phần mềm quản lý chương trình affiliate programs (liên kết bán hàng - các thành viên đăng ký chương trình này sẽ quảng bá cho cửa hàng hoặc sản phẩm của bạn, và bạn sẽ phải trả hoa hồng cho họ nếu khách hàng được họ giới thiệu mua hàng tại shop của bạn).
Một số nhà cung cấp giải pháp thương mại điện tử trọn gói: 1shoppingcart.com, ultracart.com, volusion.com…
Clip hướng dẫn cách mở website bán hàng riêng
Tài khoản thanh toán và cổng thanh toán
Để thực hiện một giao dịch thương mại điện tử bạn cần phải có:
1. Tài khoản thanh toán (merchant account): cho phép bạn chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng của khách hàng. Bạn có thể đăng ký merchant account tại những tổ chức sau: VeriSign, Authorize.net, Global Payments Inc., RBS Worldpay , PayPal.
2. Cổng thanh toán (payment gateways): đây là hệ thống sẽ thực hiện mọi giao dịch diễn ra giữa ngân hàng của bạn và khách hàng một cách tự động. Cổng thanh toán sẽ xác nhận và chấp nhận hay từ chối các giao dịch bằng thẻ tín dụng một cách bảo mật.
Giỏ hàng (Shopping Carts)
Sẽ rất khó cho khách hàng có thể mua hàng từ bạn nếu website của bạn không có giỏ hàng. Giỏ hàng là một phần mềm cho phép khách hàng chọn hàng hóa, xem lại những mặt hàng đã chọn, thêm hoặc bớt hàng hóa và thực hiện việc mua hàng.
Một số dịch vụ cung cấp giỏ hàng mà bạn có thể tham khảo: PayPal, e-junkie, Google Checkout, Zen Cart.
Bảo mật
Một vấn đề mà bạn không thể bỏ qua khi xây dụng shop online đó là bảo mật website và bảo vệ thông tin khách hàng.
SSL - Secure Sockets Layer - một tiêu chuẩn bảo mật, tạo ra một liên kết được mã hóa giữa máy chủ web và trình duyệt. Liên kết này đảm bảo tất cả các dữ liệu như số thẻ tin dụng, thông tin cá nhân trao đổi giữa máy chủ web và trình duyệt luôn được bảo mật và an toàn.
Bạn có thể mua dịch vụ bảo mật này thông qua các dịch vụ cung cấp như: VeriSign, GoDaddy.com, GeoTrust, NetworkSolutions.
Những vấn đề về tên miền, máy chủ, thiết kế web, tài khoản thanh toán, cổng thanh toán chỉ là những công việc cơ bản mà bạn phải giải quyết để có một shop online. Ngoài những điều cơ bản trên bạn cần phải quan tâm đến những vấn đề như SEO, phân tích dữ liệu (analytics), theo dõi (tracking), hỗ trợ khách hàng (customer support), e-mail marketing… để có thể phát triển cửa hàng trực tuyến của bạn và tạo ra nhiều lợi nhuận.
Mở shop online không còn là việc quá xa lạ với cộng đồng giới trẻ năng động, thích kiếm tiền. Hy vọng với những hướng dẫn và gợi ý cơ bản trên, bạn sẽ tự tạo cho mình một gian hàng ảo nhanh chóng và tiện lợi nhất để bắt đầu công việc kinh doanh của mình. Thành công với shop online sẽ giúp bạn tích lũy thêm vốn và kinh nghiệm để có thể mơ đến việc chinh phục những đỉnh cao tiếp theo.
Nguồn blog.tamtay.vn
No comments:
Post a Comment